[Review] Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần – nên đọc sách nào ?

Có nhiều cuốn sách nằm trong tủ sách ebook của tôi hàng mấy năm trời mới được đoái hoài đến, một trong số đó là quyển « Tôi tự học » của Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Nhiều khi sách cũng phải đúng thời điểm đọc mới biết quý.

Tôi là một người tự học đã rất tốt rồi, và nhiều người hỏi tôi cách tự học ra làm sao. Tôi định đọc quyển này để có một phương pháp hệ thống trả lời câu hỏi đó cho mọi người, nhưng không ngờ là chính tôi cũng học thêm được rất nhiều. Sau quyển này tôi tự học còn nhanh hơn trước. Lúc đầu đọc tôi rất choáng, vì sao lại có một người có giọng văn như thế, thẳng thừng, không đi lòng vòng như các tác giả khác, lại có phần hơi « đanh đá », đọc xong tự ái chết đi được, nhưng tôi thấy rất nể. Tôi học tiếng Pháp nên trong quyển này cụ Cần giới thiệu sách tiếng Pháp, lại còn nhiều trích dẫn bằng tiếng Pháp nên đọc lại càng thích. Khi đọc xong tôi lập tức tải về rất nhiều sách của cụ, tôi đọc nhiều rồi nên cái kiểu « phê bình thẳng thừng » của cụ không làm tôi tự ái nữa.

Tôi có thói quen, nếu đọc nhiều sách của một tác giả thì phải đọc theo trình tự, nghĩa là sách nào xuất bản sớm nhất thì đọc, để xem tác giả ấy theo năm tháng có thay đổi ý kiến không, có đào sâu thêm về một lĩnh vực khác không. NXB Trẻ, khi phát hành lại bộ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần cũng ghi rõ sách nào nên đọc trước, tôi sẽ viết ở cuối bài. Đối với cụ Cần thì tôi rất ngạc nhiên khi thấy theo năm tháng các tư tưởng chính của cụ không hề thay đổi. Chứng tỏ đây là một con người đã tìm ra đường đi cho mình từ rất sớm. Vì quyển sớm nhất tôi đọc được là quyển Toàn chân triết luận, lúc xuất bản thì cụ Cần mới có 29 tuổi, mà đã viết được những điều thâm sâu như vậy. Theo tôi được biết khi sách xuất bản cũng bị chỉ trích, gây sóng dư luận (mà bây giờ gọi là « ném đá »), đủ biết tư tưởng của cụ đi trước thời đại bao xa.

Đây là các sách đã được xuất bản, tất cả đều được NXB Trẻ tái bản trừ 2 quyển. Nếu thiếu quyển nào xin các bạn đọc nói cho tôi biết.

Tên sáchXuất bản lần đầuComment
Duy Tâm và Duy Vật1935Không thấy tái xuất bản, không tìm ra bản scan
Toàn Chân Triết Luận1936Cuốn sách thể hiện những quan niệm triết học về vũ trụ, nhân sinh con người như tốt xấu, họa phúc, giàu nghèo dưới cái nhìn của Đạo học Đông phương.
Thanh Dạ Văn Chung1939« Thanh Dạ Văn Chung » là tiếng nói trong thâm tâm của một người cố vượt thoát ra khỏi cái làm không khí nặng nề của các quần đoàn, của các học phái, tôn giáo, luân lý để tìm cái lẽ thực của sự đời một cách không thiên lệch.
Cổ Nhân1940Phê bình Đông Lai Bác Nghị (Không thấy tái xuất bản, không tìm ra bản scan)
Cái dũng của Thánh Nhân1951Phương pháp rèn luyện tính điềm đạm, phẩm cách cao nhất của con người, theo Đạo hạnh Đông Phương
Óc sáng suốt1952Những nguyên tắc căn bản trong phép rèn luyện một khối óc sáng suốt, biết suy nghĩ và phán đoán theo tinh thần khoa học.
Thuật tư tưởng1952Những phương pháp thưc tiễn để vận dụng tư tưởng cho đứng đắn. Tất cả những lề lỗi, những kỹ thuật để minh xác, phán đoán và phê bình.
Thuật xử thế của người xưa1954Những cách xử thế khôn ngoan và tế nhị của người xưa ở xã hội Đông Phương
Trang Tử Tinh Hoa1956Nghiên cứu một học thuyết có ảnh hưởng to nhất trong vùng Triết học Đông Phương.
Văn Minh Đông Phương và Tây Phương1957Trình bày những đặc tính và kiểm soát lại bảng giá trị của hai nền văn minh căn bản của nhân loại. Một vấn đề mà văn sĩ Romain Rollan bảo là « tối đại vấn đề của thế kỷ ngày nay ».
Tôi tự học1959Những nguyên tắc căn bản để tạo cho mình một cơ sở học thức đầy đủ, để bù vào những thiếu sót của cái học ở nhà trường. Nhất là rất có ích cho những ai không được cái may mắn học được cái học ở nhà trường.
Thuật yêu đương1961« Quyển Sách để xây dựng hạnh phúc gia đình cho những cặp vợ chồng trẻ cũng như già và để soi đường cho những thanh niên thiếu nữ chưa lập gia đình tránh được những lạc lầm đau khổ » (Văn hóa Á Châu).
Một nghệ thuật sống1962Một nhân sinh quan thoát thai ở tinh thần Đạo học Đông Phương
Lão Tử Đạo Đức Kinh1962Bản dịch đầy đủ có bình chú và nguyên văn đối chiếu
Trang Tử Nam Hoa Kinh1963Bản dịch đầy đủ có bình chú và nguyên văn đối chiếu
Lão Tử Tinh Hoa1963Lão Tử tinh hoa là cuốn sách bàn rộng ra về những nội dung cốt lõi của Đạo Đức Kinh.
Phật học tinh hoa1965Một cuốn sách dành cho những người bước đầu tìm hiểu Phật giáo. Có thể coi đây là một cuốn sách đại cương triết học Phật giáo hoặc nhập môn Phật học đều được.
Để thành nhà văn1968Cuốn sách hướng dẫn người đọc cách trở thành nhà văn, không chỉ giỏi về kỹ thuật viết mà còn về nhân cách, tinh thần của một nhà văn chân chính.
Cái cười của Thánh Nhân1970Không chỉ là một quyển biên khảo về văn chương u mặc phương Đông, mà còn hàm chứa trong nó những giá trị nhân văn. Những câu chuyện cổ, những bài văn u mặc trong quyển sách cho ta thấy cuộc đời dưới một lăng kính khác hài hước hơn, thú vị hơn và sâu sắc hơn.
Văn hóa và Giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu1970Bàn về giáo dục miền Nam và cách khắc phục cũng như cách dung hòa Văn hóa phương Đông và phương Tây.
Được gộp vào trong sách mới xuất bản : « Thu Giang Nguyễn Duy Cần Những Bài Đăng Báo Và Tiểu Luận »
Nhập môn triết học Đông Phương1971Bàn về những điểm đặc sắc và cốt lõi của triết học phương Đông: về khái niệm âm dương, triết học Phật – Lão – Trang. Trong sách, Nguyễn Duy Cần đề cao triết học nhất nguyên, coi những sự đối lập là bề mặt và bề trái của một chỉnh thể thống nhất.
Tinh hoa Đạo học Đông Phương1972Tinh hoa Đạo học Đông phương là cuốn sách bàn về các hệ thống triết học Dịch, Lão – Trang và Phật
Dịch học Tinh Hoa1973Trình bày những phần cốt lõi và tinh hoa nhất của tác phẩm Chu Dịch, giúp người đọc có hiểu biết căn bản từ thấp tới cao, cũng như những ứng dụng của Chu Dịch vào đời sống hiện đại.
Chu Dịch Huyền Giải1974Trình bày ứng dụng kinh Dịch vào việc nhận định những hiện tượng xã hội trong thời hiện đại. Việc ứng dụng thuyết Tứ Tượng trong kinh Dịch để phân tích những hiện tượng xã hội diễn ra hàng ngày.
Dịch kinh Tường Giải (2 quyển, Di Cảo)2014Dịch kinh Tường Giải là bộ sách phân tích và giải thích đầy đủ 64 quẻ của kinh Dịch theo tinh thần khoa học. Nên đọc quyển Thượng trước, quyển Hạ sau.
Dịch Tượng Luận Tử Vi Bí Kiếp (Di Cảo)2021Thêm phần dịch Hệ Từ Truyện, và giải thích một số khái niệm trong Tử Vi.
Dịch lý học nhập môn2022Tựa này khởi điểm là một giáo trình được tác giả Nguyễn Duy Cần soạn riêng cho chương trình Triết Dịch của Đại học Văn khoa Sài Gòn và được hoàn thiện dần thành bản thảo. Nhà xuất bản Trẻ xét thấy đây là bản thảo nền tảng của tác giả Nguyễn Duy Cần giúp độc giả biết được « Dịch là gì? ».
Thu Giang Nguyễn Duy Cần Những Bài Đăng Báo Và Tiểu Luận2022Phần một là tập hợp những bài báo của tác giả đăng trên bán nguyệt san Nay năm 1937 gồm các chủ đề Văn chương, Triết học, Khoa học, Y học và Tâm lý học. Nội dung chính là những bài viết về triết học bàn rộng hơn về những khái niệm mà tác giả đã trình bày trong quyển Toàn chân triết luận in năm 1936.
Phần hai là tiểu luận nhan đề Văn hóa và giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu? Nội dung của tiểu luận đánh giá thực trạng văn hóa của miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 đến 1960, đây là giai đoạn hưng thịnh của chủ thuyết Hiện sinh của Jean Paul Sartre khi tràn vào miền Nam và đã ảnh hưởng đến lối sống của thanh thiếu niên miền Nam khi đó.

Phần lớn bạn đọc biết được cụ Cần qua quyển « Tôi tự học », và nếu chăm chỉ thì cũng chỉ dừng ở quyển « Óc sáng suốt » với « Thuật tư tưởng ». Đây là bộ ba mà tôi cũng thấy rất tâm đắc, mặc dù hai quyển đấy cũng có nhiều phần đã được nhắc đến ở « Tôi tự học ». Nhưng theo ý tôi, và cũng theo NXB Trẻ, nên đọc theo thứ tự sau là hợp lý hơn :

  1. Óc sáng suốt : quyển này có phương pháp giúp ta lập bản đồ để xét một cách thấu đáo một tình huống, một con người, một vấn đề. Tôi thấy cách này rất hay và chưa thấy ai giảng giải kỹ càng dễ hiểu như vậy.
  2. Thuật Tư Tưởng : quyển này tôi thấy những người muốn tập phản biện, phán đoán, nên đọc. Áp dụng phương pháp của cụ tôi thấy mình lĩnh hội được nhanh hơn so với trước, và đầy đủ hơn.
  3. Tôi Tự học : nếu muốn chọn 1 sách thôi thì chọn Tôi tự học.

Còn về đối nhân xử thế thì tôi thấy mấy quyển sau có thể đọc chung :

  1. Cái dũng của Thánh Nhân : quyển này tôi cực kỳ tâm đắc, cái này hơi có tí Đạo giáo một chút. Khí lực trời cho, có sẵn trong con người chúng ta (đã được giải thích trong Tính Mệnh Khuê Chỉ), và khi chúng ta lo sợ, bực tức, thì cái khí lực này cứ bay vèo và không trở lại. Bay nhiều đến khi cạn kiệt thì… ngỏm, nên ta phải dùng nó một cách xứng đáng, và cách tốt nhất là trở nên Điềm đạm. Ở phần phụ lục có tập cách tăng khí lực vào Đan Điền nhưng biết để cho vui chứ muốn tập nên học theo thầy Khí Công cho đúng bài bản.
  2. Thuật Yêu Đương : Khi về già cụ có viết quyển này giúp chọn người vợ/chồng phù hợp. Không có gì bất hạnh hơn là lấy phải một ông chồng có tư duy/khả năng như một đứa trẻ/nô lệ hay một người vợ độc ác/vô tâm. Tuy có một số tư tưởng mọi người sẽ kêu là « cổ hủ » vì không hiểu kỹ, nhưng ai am hiểu Kinh Dịch sẽ biết tại sao cụ lại muốn người Nữ giống quẻ Khôn còn Nam thì giống quẻ Kiền. Thực ra trong Kiền đã có Khôn, trong Khôn đã có Kiền, Âm bọc Dương. Hai cũng thích Kiền hết thì lấy đâu ra cân bằng ? Quyển này được viết khi cụ đã từng trải, và nếu bạn có quen nam thanh nữ tú nào đang tuổi yêu đương thì nên tặng họ một quyển.
  3. Một nghệ thuật sống : cái này rất hợp cho các bạn sân si, hay sống mà như không
  4. Một quyển nữa tôi cực kỳ tâm đắc là quyển Thanh Dạ Văn Chung, lên án kiểu suy nghĩ bầy đàn, không có chính kiến, tư duy nô lệ. Từ ngày có blog tôi nhận được những câu hỏi rất trời ơi đất hỡi, khi đi làm thì thấy từ giám đốc đến nhân viên không ai dám ra quyết định riêng, người người nhà nhà trước khi mua khi ăn cái gì phải dùng app kiểm tra xem có nhiều muối nhiều đường hay không (ở Pháp đang có cái trò này, điên không chứ!), chứ không còn khả năng ra một quyết định dù nhỏ cho bản thân. Tôi không hiểu nổi tư duy nô lệ này từ đâu ra thì may quá cụ Cần đã viết cả một quyển sách về vấn đề này, tôi đọc thấy tâm đắc, có người nói hộ mình, đọc mà thấy sướng.

Nếu đi xa hơn một chút thì cái mạnh của cụ thực sự là về triết học Đông phương. Về Lão Tử, Trang Tử, Phật học, Kinh Dịch, Đạo học Đông Phương, NXB Trẻ đã ra một bộ sách rất đẹp, gọi là « Bộ Sách Tinh Hoa Đạo Học Đông Phương », có 4 quyển, bạn chọn quyển nào đọc trước cũng được. Cụ Cần không thích Khổng Nho nên không có sách về Khổng Nho. Cụ Cần có sư phụ là « một Đạo sĩ khét tiếng » (theo lời cụ kể), và chính cụ cũng giỏi các môn ứng dụng của Kinh Dịch như Tử Vi, Châm cứu. Đọc sách cụ về Triết học Đông phương rất là thích. Một phần do cụ lĩnh hội được kiến thức từ nhiều sách (cả Tây lẫn Tàu, có một số quyển cụ trích dẫn thì tôi cũng đọc rồi, và tôi để ý là cụ có tài trích dẫn được những phần hay nhất của tác phẩm ấy), hai là cụ cũng lĩnh hội được những kiến thức rất mới lạ từ thư viện Niết Bàn, ba là cách diễn đạt của cụ, được ảnh hưởng bởi phương Tây, nên rất đơn giản và dễ hiểu. Đọc sách của cụ chẳng khác nào có được tinh hoa của hàng ngàn cuốn sách cụ đã đọc hộ chúng ta vậy.
Hay nhất là các sách về Lão Trang, tôi chưa thấy ai giảng Đạo Đức Kinh dễ hiểu như vậy. Các sách Kinh Dịch của cụ thiên về Dịch lý, (chứ không về Bốc), và hơi nghiêng theo Đạo giáo. Ngoài ra, cụ còn có nhiều hiểu biết về Đạo giáo thần tiên, trong đó ba sách cụ hay nhắc đến là « Tính Mệnh Khuê chỉ », « Thái Ất kim hoa tông chỉ » và quyển HARA.

Về Kinh Dịch thì mọi người hiện giờ vẫn cho là sách bói toán. Tôi xin nói đây KHÔNG PHẢI LÀ SÁCH BÓI TOÁN. Là người Á Đông, thì phải giỏi Kinh Dịch. Thông Kinh Dịch sẽ thông được hết mọi thứ, vì biết cách vận hành của cuộc sống. Học Kinh Dịch cho bản thân, bét nhất là biết được mình đang ở đâu, cái « thời » cái « cơ » của mình ra sao, làm sao để trau dồi bản thân. Xa hơn nữa là áp dụng trong Y học, xa tiếp nữa là tìm đường trở về Đạo. Những thứ này cụ Cần giải thích rất rõ, tôi không thể nào trong một bài viết mà nêu hết được.

Theo tôi nên đọc theo thứ tự sau. Phần lớn sách trên thị trường chỉ lao vào giải 64 quẻ, trong khi đó cái quan trọng nhất của Dịch là Triết học của nó, cái « Vô cực » nó nói đến.

Tuy vậy cụ Cần lại giải triết học nhiều quá, đến nỗi khi cụ nói về « Cửu Tứ, Đắc Trung Đắc Chính vv… » thì những người chưa có khái niệm căn bản chẳng hiểu mô tê. Nên theo tôi vẫn phải đọc quyển « Kinh Dịch – Đạo của người quân tử » của Nguyễn Hiến Lê trước, gọi là để hiểu từ vựng, đọc đến quẻ Truân thôi, xong chuyển ngay sang đọc sách cụ Cần.

  1. Dịch lý học nhập môn (chưa đọc)
  2. Dịch học Tinh hoa : quyển này tuy cấu trúc không được chặt chẽ như các quyển khác nhưng có rất nhiều thông tin hay, gây tò mò lớn đối với Kinh Dịch. Có giải thích hay về Hà Đồ Lạc Thư nhưng nếu khó quá thì bỏ qua. Hà Đồ Lạc Thư này có người giải thích hay hơn (các bạn cứ đọc hết sách cụ Cần rồi tôi chỉ tiếp). Hay nhất là phần giảng về Kybalion, là quyển Kinh Dịch của phương Tây, đọc thấy mà sướng.
  3. Chu Dịch Huyền Giải : quyển này thực sự tuyệt vời, đọc quyển này xong có động lực học Kinh Dịch ghê gớm. Rất nhiều thông tin về Huyền học, Khoa học, và ứng dụng Kinh Dịch.
  4. Dịch Tượng Luận Tử Vi Bí Kiếp (di cảo) : quyển này bắt đầu bằng phần dịch Hệ Từ Truyện, có vẻ hơi khô khan vì phần đầu chỉ là phần dịch, còn phần giải nghĩa sâu xa thì đã giải thích ở « Dịch học Tinh hoa » và « Chu Dịch Huyền giải » rồi. Cái quý nhất của quyển này là phần Tượng + liên hệ với tâm lý học chiều sâu của Jung, và các phần phụ lục đỉnh của đỉnh. Không đọc hơi phí nhé. Quyển này có rất nhiều phần tiếng Pháp không được NXB Trẻ dịch, tôi đã dịch ở đây cho các bạn.
  5. Dịch kinh Tường Giải – quyển Thượng (di cảo) : hai quyển Dịch Kinh này tôi chỉ thích mấy phần phụ lục và những phần ghi chú nhỏ li ti. Còn giải nghĩa quẻ và hào thì cũng hay đấy nhưng mà hơi bị kiệm lời. Tuy nhiên, lời giải thích không bị chấp vào Khổng Nho nên khác với các sách khác.
  6. Dịch kinh Tường Giải – quyển Hạ (di cảo)

Thực sự khi đọc sách Kinh Dịch của cụ thì nghiệm ra cụ biết thật nhiều nhưng nói ít. Nói nhiều sợ bị hiểu sai. Tuy đã viết từng này sách nhưng vẫn không truyền tải hết được. Nhiều phần cực kỳ hay thì được giấu trong một câu nói, một ghi chú, một ý tưởng vu vơ. Nhiều thứ muốn nói nhưng « Thiên cơ bất khả lộ ». Thậm chí những sách di cảo cũng chẳng nói ra được hết. Nên đọc phải đọc hết, suy ngẫm, và theo dấu vết cụ để lại nếu muốn đi xa hơn. Và phải đi xa hơn vì dù sao đây cũng là góc nhìn của cụ, chứ mình phải có cái nhìn của riêng mình.

Hy vọng bài viết này sẽ tạo động lực cho các bạn tìm hiểu sách của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

Nếu bạn là fan hậm mộ của cụ, đọc hết rồi muốn đọc thêm nữa thì tôi xin giới thiệu tác giả Đặng Đức Truyền hiện đang sống ở Hà Nội. Bác mới viết có một quyển Con Người Và Bảy Cõi Giới thôi (không đọc thì phí lắm nhé) nhưng tôi và người hâm mộ rất mong chờ các cuốn sách tiếp theo của bác về Khí Công và Phong Thủy.

Digital Nomads : une semaine à Ninh Hoa (Vietnam)
Ile de Pâques : quel internet mobile et WiFi en 2024 ?
    Anh

    Anh est franco-vietnamienne et a vécu dans de nombreux pays (Russie, Australie, France, Norvège, Vietnam). Elle aime par dessus tout les chats, le DIY et la bonne cuisine. Ayant une très bonne mémoire, Anh est capable de vous donner le tarif du petit bus pris entre le Chili et la Bolivie qu'elle a pris il y a 3 ans.

    Tous Mes Articles
    Write a comment

    Ce site utilise Akismet pour réduire les indésirables. En savoir plus sur comment les données de vos commentaires sont utilisées.