Bấy lâu nay tôi vẫn cố gắng bênh vực cho tác giả Nguyên Phong. Nhiều sách ông ghi rõ là « phóng tác » tôi tặc lưỡi cho qua, nghĩ rằng thôi nhiều khi ông Nguyên Phong chỉnh sửa một chút bản gốc để cho một số ý tưởng được rõ ràng hơn, đọc trôi chảy hơn. Nhưng đến khi tôi đọc bản gốc của « Hành trình về phương Đông », « Huyền thuật Tây Tạng », rồi « Đường mây qua xứ tuyết », đến « Ngọc sáng trong hoa sen », là những tiểu sử của người có thực mà bác Phong cũng phóng tác luôn được cả cuộc sống người ta thì tôi buồn cười ngất.
Hôm nay chúng ta chỉ nói về « Ngọc sáng trong hoa sen » thôi nhé. Các sách kia tôi bóc phốt sau. Bản gốc tên là « The Wheel of life » của ông John Blofeld.
Chú thích là tôi đọc sách đều là sách xịn. Sách của Nguyên Phong tôi mua sách trên Google Play do chính First News up lên chứ không download linh tinh ở đâu. Số là người nhà tôi hay đọc sách ông này và có nhờ mua hộ nên tôi mua gần hết sách ông xuất bản.
Bản gốc tiếng Anh các bạn có thể tạo account miễn phí và đọc trong vòng 1 giờ hay 2 tuần trên sách xịn mịn của nhà xuất bản được scan lên và up lên : https://archive.org/details/wheeloflifeautob0000blof/page/236/mode/2up?view=theater
Khi đọc đến đoạn ông Blofeld gặp Govinda bị Govinda nhắc khéo và đọc được cả suy nghĩ thì tôi buồn cười quá, vì văn phong này thấy giống ở đâu đâu rồi, y hệt một số các tác phẩm khác của Nguyên Phong. Chẳng có lý do gì mà Govinda lại phải đọc suy nghĩ của người khác (huyền thuật như vậy học là thừa thãi), và cũng chẳng có lý gì ông ý lại nhắc Blofeld một cách vô duyên như thế, chẳng xứng đáng với một lama. Vậy là tôi tìm đúng đoạn nói về Govinda ở sách gốc. Tổng cộng có hơn 2 trang mà sang đến bên « phóng tác » bị bôi thành « plot twist », làm cho Blofeld tỉnh ngộ, bao nhiêu trang review đều nói về đoạn « quan trọng » này.
Đây là bản scan sách gốc.
Tôi sẽ dịch cho các bạn và đối chiếu với bản phóng tác để chúng ta cùng so sánh.
Bản dịch sách gốc, từ cuối trang 236 đến đầu trang 238, đây là tôi dịch qua lấy ý, chứ không phải dịch văn chương cho hay.
Một ngày nọ, tôi đến thị trấn cổ kính Himalaya là Almora, chỉ để phát hiện ra rằng những hiền sĩ Hindu mà tôi tìm kiếm đã chạy trốn vào sâu hơn nơi cô tịch của núi non. Thay vào đó, tôi được nghe về một người thông thạo cao cấp của Vajrayana, người có nguồn gốc phương Tây, sống ẩn dật gần đó. Bởi vì tôi đã thấy rằng những người ẩn sĩ Hindu và Phật giáo phương Tây hiếm khi đạt được trình độ cao, tôi đến nơi ẩn cư của Lama với sự hiếu kỳ nhiều hơn là hy vọng phát hiện một con « đại bàng vàng ». Tuy nhiên, tôi đã sai!
Trong vài giờ đồng hồ, tôi theo một con đường rộng rãi uốn quanh qua rừng và leo lên núi, gắn liền với những đỉnh núi có tầm nhìn ra những dãy núi xanh như đảo lớn từ biển sương màu xám nhạt bồng bềnh trên những thung lũng ẩn giấu. Gần đỉnh, một lối mòn khó nhận biết dẫn tôi đến một ngôi nhà nhỏ được bao quanh bởi một khu vườn hoa cẩn thận cắt tỉa và ẩn mình phía sau những bụi cây và cỏ cao. Đó là ngôi nhà của « đại bàng vàng » lão luyện, Lama Govinda, sinh ra là người Đức, nhưng lại là Lama Tây Tạng do: học thức, thành tựu tâm linh và được dạy bí truyền. “Phái Mũ Đỏ” cho phép các Lama kết hôn, ông chia sẻ cô tịch của mình với vợ đáng chú ý là Li Gotami. Bên trong căn nhà tu hành chỉ gồm một phòng duy nhất, tạo nên bầu không khí đơn giản phù hợp cho những màu sắc rực rỡ, giống như viên ngọc của tranh Phật giáo Tây Tạng được treo trên những cuộn lụa lộng lẫy. Tại đây, trong hai dịp, tôi đã trải qua một số giờ quý giá nhất trong suốt chuyến đi khắp Ấn Độ của tôi. Li Gotami, một họa sĩ nhạy cảm yêu thích màu sắc rực rỡ, bản thân cô cũng đẹp như một bức tranh với khuôn mặt thông minh da trắng của người Parsee và chiếc sari làm từ vải thô tự nhiên. Lama là người có vẻ ngoại đạo, trên năm mươi tuổi với má hồng và râu nhọn nhỏ. Ông ăn mặc bộ áo choàng màu nâu đỏ giản dị.
Từ cuộc trò chuyện của chúng tôi hồi đó, từ những trao đổi thư từ sau đó, cũng như từ một số tác phẩm viết của ông, tôi nhận thấy rằng ông có kiến thức sâu rộng về văn học tôn giáo Tây Tạng và ông sâu sắc am hiểu lý thuyết và thực hành của Vajrayana. Thật vậy, sau đó tôi mới biết rằng chính người Tây Tạng cũng công nhận ông là một Lama có trình độ tu tập cao, mà không cần phải xem xét đến việc ông là người nước ngoài! Điều này khó có thể tin được, nếu như tôi không chứng kiến trí tuệ của ông bằng chính mắt mình. Quan trọng hơn nữa, Lama Govinda sở hữu một phẩm chất hiếm hoi và khó có thể diễn tả, nhờ đó một người có đạt được trí tuệ tâm linh siêu việt luôn được nhận ra ngay lập tức. Điều đó không chỉ do nhiều năm hành động đúng đắn, hay sự tinh khiết tuyệt đối về thể xác, lời nói và tâm trí mới có thể tạo ra hoa quả độc đáo này của sự hiểu biết tâm linh. Nó chỉ có thể đạt được bởi người đã tiến xa trong nghệ thuật kiểm soát tâm trí và hướng ý thức vào bên trong bản thân; nhưng một khi đã đạt được, nó tự mình hiển hiện ra trước mắt tất cả mọi người, trừ những kẻ đã chết về mặt tâm linh. Lama rất nhẹ nhàng và khiêm tốn đến mức tôi nghi ngờ liệu ông có hay biết được tác động mà ông tạo ra đối với người khác không. Ngay cả một vị khách không có sở thích đặc biệt với Vajrayana cũng khó có thể không thích thú khi trò chuyện với những người đắm chìm trong nghệ thuật của Ấn Độ và Tây Tạng, những người họa sĩ thể hiện các hình thức hội họa mà ảnh hưởng từ Đông và Tây hòa quyện một cách tuyệt vời; hơn nữa, kiến thức của Lama bao hàm nhiều khía cạnh của văn hóa Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc ngoài Phật giáo. Ngay cả những cử chỉ của ông cũng vô thức mang lại cái đẹp như là nghi lễ, làm tăng thêm phẩm giá và duyên dáng cho người Tây Tạng quý phái.Nhưng kết quả đáng nhớ nhất từ những lần viếng thăm của tôi là hy vọng mà Lama đã truyền đạt cho tôi. Rất nhiều lần trước đó, thành công tương đối nhỏ của những người theo châu Âu khác đã khiến tôi lo sợ rằng tôi đang cố gắng làm điều không thể. Tôi đã từng cho rằng, những khó khăn không thể vượt qua sẽ cản trở một người sinh ra và được giáo dục ở phương Tây, không cho họ thành thục các khoa học tâm linh của phương Đông, nơi mà các bậc thầy châu Á có thể được huấn luyện ngay từ thuở nhỏ. Cuối cùng, tôi đã gặp được một người Âu châu có cả tri thức và sự đạt đạo ngang hàng với một số thầy của tôi ở châu Á mà tôi ngưỡng mộ nhất— đó là một điềm báo tốt lành.
Những tác động của một nền giáo dục phương Tây liên quan đến sự hướng ngoại của toàn bộ nhân cách không ngăn cản hoàn toàn việc đạt được Trí Tuệ nội tâm. Vì nhiều lý do, tôi không thể ở lại Almora lâu hơn. Khi tôi bước ra khỏi chỗ ẩn cư của Lama lần cuối, với những ngọn núi và khu rừng đẹp nhất trong ánh nắng chiều nghiêng, tôi đã quyết tâm trở lại một ngày nào đó và xin học hỏi. Tôi không nghĩ có người đàn ông nào khác trên thế giới có thể thể hiện mình một cách lưu loát bằng tiếng Anh mà lại sâu sắc am hiểu các bí mật của Vajrayana, và có khả năng giải thích chúng cho những người hành đạo phương Tây một cách tuyệt vời hơn ông. Ở Tây Tạng, hơn bất cứ nơi nào khác ở châu Á, những người đã dành nhiều năm để học tiếng Anh hiếm khi có kiến thức về những nguồn cội văn hóa bản địa hoặc sâu sắc trong các vấn đề tâm linh. Điều này luôn luôn là một trong những trở ngại để người phương Tây đánh giá cao học vấn của châu Á. Tương tự, những người phương Tây giỏi nhất trong việc thẩm định vấn đề tâm linh và văn hóa hiếm khi có thời gian để trở thành những bậc thầy về một hay nhiều ngôn ngữ phương Đông, kể cả khi họ đạt đến mức lưu loát. Thế nên, ngoại trừ Lama Govinda và Tiến sĩ Evans Wentz, các nhà văn phương Tây hiếm khi tránh khỏi một miêu tả hời hợt về hình thức bên ngoài của Vajrayana.
Có thể nói trong bản gốc này hai ông trao đổi gì với nhau không được ghi rõ ở đây. Nói chung ông Blofeld này có tỉnh ngộ chăng nữa nhờ ông Govinda thì cũng chỉ là tự nghĩ « à, một người Tây khác cũng giác ngộ được thì mình chắc cũng làm được ». Thế thôi !
Còn đây là phiên bản phóng tác, chẳng khác gì thần thoại. Tôi phải screenshots từ Google Play không thì mọi người lại nói tôi bịa ở đâu ra. Các bạn nào có sách giấy cứ mở ra xem tôi dẫn chứng có chuẩn không. Tóm lại bản gốc và phóng tác khác một trời một vực, ít nhất là ở đoạn này.
Sở dĩ tôi muốn tìm lại bản gốc vì tôi rất ngạc nhiên việc ông Govinda nói về thời Mạt Pháp. Cách tính toán để biết bây giờ đang là thời Mạt Pháp hay không là rất khó. Có một tài liệu tôi đọc được của Ấn Độ ghi rõ là thời Mạt Pháp đã qua và bây giờ chúng ta đã sang thời kỳ mới được hơn 200 năm ! (theo « The Holy Science » của Swami Sri Yukteswar Giri).
Đành rằng, « Thành Trụ Hoại Diệt », « Bĩ Cực Thái Lai » là chuyện đương nhiên, nên cố gắng duy trì « Thái » nhiều trước khi sang « Bĩ », nhưng có vẻ nhiều sách bác Phong viết cứ phải cho thêm thót cái « Mạt Pháp » vào cho nó hoành tráng. Nói về Mạt Pháp, rồi là « tận thế » là cách nói của thế hệ trước, sững sờ trước thảm họa bom nguyên tử, sau đó là chiến tranh lạnh. Lúc đó rất nhiều sách nói về ngày tận thế. Tuy vậy, khi thế giới tiến về Đại Đồng nhiều hơn, bây giờ phần lớn những thuyết « tận thế » là do các bên theo chủ nghĩa âm mưu đề cập đến, liên quan đến « fear-based marketing » làm cho người ta sợ hãi, dọa người ta chứ không phải thực sự mong muốn cho người ta tốt đẹp hơn. Điều đó thật đáng tiếc. Muốn tu và tâm an thì ai lại dùng nỗi sợ làm điểm bắt đầu cơ chứ? Thậm chí có chấm dứt thật thì cũng chỉ là chấm dứt một VẬN để chuyển sang VẬN khác, theo quy luật không thể tự nhiên hơn, không có gì phải sợ hãi, chúng ta cứ giữ cái tâm an cho bản thân, nếu được thì mở lòng từ bi, đừng lao vào sợ hãi lại quay ra mê tín.
Nói chung lúc đầu tôi tưởng việc phóng tác không có gì đáng trách, vì nên hiểu ý chung chung là được, nhưng đến khi tôi thấy nhiều người quote ra từng câu từng chữ, và coi đấy là « sự thật » và « lịch sử » thì tôi thấy hoảng quá. Tất cả là từ trí tưởng tượng của bác Nguyên Phong chui ra, tất cả phải được coi là tiểu thuyết, về một thế giới song song nào đó hơi hơi giống Trái Đất, ở một năm xa xôi nào đó có thể là thời đại này có thể là không, đọc lướt qua nắm ý chính thì còn được. Nhưng không đọc là hay nhất nếu bạn không sàng lọc được thật và hư, vì bạn không đọc được bản gốc.
Còn bao nhiêu sách hay, mà thời gian lại ít, chúng ta cứ ngâm cứu hết Đạo Đức Kinh với Kinh Kim Cương đi đã, ít nhất cái này ngàn năm đúc kết rồi.