[review] Kinh dịch xưa và nay – Nam Thanh Phan Quốc Sử

Lang thang trên Facebook, tôi tình cờ đọc được một comment đại ý như sau : « Tất cả các sách dự đoán Kinh Dịch đều sai hết, hoặc giấu nghề. Duy nhất có một bộ sách này ở nhà tôi là chuẩn ». Comment đó chẳng ai like chẳng ai vào comment, có lẽ vì cách hành văn mạnh bạo quá.

Comment đó có từ mấy năm rồi nhưng vì tôi quá tò mò nên inbox lân la hỏi bạn đó nhà bạn có quyển gì mà quý thế. Thực ra vừa inbox cho bạn vừa sợ. Sợ bạn không nhìn thấy message của tôi, hai là sợ bạn cho một tựa sách chép tay hay quý hiếm, hay bằng tiếng Hán nào đó mình tìm không được không hiểu được. Không ngờ bạn đó nói đó là 3 quyển « Kinh dịch xưa và nay » của Nam Thanh Phan Quốc Sử. Đọc tên sách tôi nhẹ cả người vì 3 quyển này mua sách giấy cũng có mà download chùa trên mạng cũng được.

3 sách này tuy là để dùng nội bộ nhưng không hiểu sao lại được bán rộng rãi như vậy. Bạn đó có nói ngay cả người đi học các thầy cũng học cho biết chứ có vận dụng được đâu. Vậy đó, tuy lưu hành nội bộ nhưng mà bị tuồn ra ngoài thì cũng phải rất chăm chỉ mới lĩnh hội được kiến thức của 3 quyển này. Tôi cảm ơn bạn, lập tức mua 3 quyển sách giấy về và down luôn cả 3 quyến ebook để tiện đọc trên máy đọc sách.

Thực sự tôi chẳng biết mua 3 quyển gốc ở đâu nên tiện đâu mua đấy, có mấy bên chuyên bán sách Huyền thuật giao bán. Tôi mua 3 quyển bìa màu vàng, chắc là in lậu vì chữ khá là đậm, có chỗ lại thiếu 1 trang, có chỗ có vết bút sửa cái nọ, thêm thắt chỗ kia… nhưng phiên bản giấy này khác phiên bản ebook nên có gì thiếu tôi lại mở ebook ra xem và ngược lại.

Tôi thiên về Dịch Lý nên đọc quyển đầu tôi thấy rất thích. Tôi đã đọc tất cả sách Dịch của cụ Nguyễn Duy Cần nên trong quyển 1 tuy không thấy bóng dáng của 64 quẻ ở đâu nhưng tôi không thấy có vấn đề gì. Tôi thích Dịch Lý hơn dự đoán, vì tôi có biết ít chút chiêm tinh nên hay dùng chiêm tinh hơn, vì quá lười học Lục Hào như các bạn khác.

Sau khi đọc quyển 1 tôi đã hiểu tại sao không ai review quyển này và dù có lưu hành nội bộ nhưng tuồn ra ngoài cũng không sao. Vì sách viết rất rất khó hiểu. Bên Việt Nam Dịch Lý Hội dùng rất nhiều danh từ riêng của họ. Ví dụ Âm Dương họ muốn gọi là « Đồng Nhi Dị » vì Âm Dương theo họ đối lập quá, còn Đồng Nhi Dị là cái giống mà hơi khác, bao hàm trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, Âm là Dương, Dương là Âm. Nghe họ giải thích KHTK, rồi Manh Nha, rồi KHTK Cực, rồi Trí Tri Ý.. chỉ muốn gập quyển sách lại rồi thanh lý.

Thực ra việc các giáo phái có từ vựng riêng không phải là chuyện bất thường, nhưng ở đây họ dùng từ vựng riêng vì thấy từ vựng trong Kinh Dịch không thoát được ý. May mắn cho tôi là cái comment của bạn kia vẫn lởn vởn trong đầu. Nếu bạn ý coi chỉ 3 quyển này đáng đọc, thì ít ra mình cũng phải cố gắng đọc xem sao. Và thế là, tôi đọc theo kiểu « danh từ nào không hiểu thì bỏ qua », để nắm ý chính. Và thực sự thì lần đọc đầu tiên tôi cũng hiểu lõm bõm, vừa đọc vừa ngủ gật. Lần thứ 2 thì tôi mê luôn.

Kiến thức của những người viết (quyển sách này có phần cho Thầy Tổ Xuân Phong Nguyễn Văn Mỳ viết, và đa phần là do học trò Nam Thanh Phan Quốc Sử giải thích rõ hơn) thật khác biệt so với tất cả các sách Kinh Dịch hiện nay. Cách giải thích của họ rất logic nhưng mà cũng không bám trụ vào các văn bản cổ, họ giải thích Kinh Dịch theo cách hiểu của họ, như là những người có kết nối trực tiếp với Vô Cực vậy.

Đọc đến phần Xã Hội, giải thích cặn kẽ về Ngũ Hành thì tôi xỉu up xỉu down vì không ngờ có được cách giải thích rõ ràng, hay và áp dụng cao được như vậy. Phần này có bản thầy Nam Thanh Phan Quốc Sử viết, có thêm một phần chính Thầy tổ Xuân Phong Nguyễn Văn Mỳ thêm ở cuối sách, nếu cần các bạn đối chiếu.

Phần thứ 2 là phần Dự đoán (Dịch lý báo tin), cách tính của họ rất là đơn giản và sách cực kỳ nhiều ví dụ. Tuy vậy tôi cũng hiểu tại sao bạn kia nói học cho vui chứ ít người thực hành được. Cách học của họ rất nặng, chẳng khác chương trình đại học/cao học vậy, khó hơn cách bói quẻ thông thường. Mỗi ngày, cứ 2 giờ lại đổi quẻ, học viên phải tính sẵn 12 quẻ trong ngày, sau đó trong ngày xảy ra chuyện gì thì chép lại, đối chiếu với quẻ tương ứng. Không chỉ hiểu thuộc 64 quẻ làu làu mà còn phải tự làm nhiều bài tập ra quẻ Biến, quẻ Hỗ, động hào, thay đổi phạm vi… nhiều không kể xiết. Lúc đầu đọc mấy ví dụ « báo tin » trong này tôi cũng thầm nghĩ « trời ơi những câu hỏi không quan trọng này mà cũng phải hỏi Dịch sao? », khi đọc quyển 2 rồi tôi mới thấy đó là cách học hay nhất, cách dùng Dịch để quan sát mọi sự, sau đó khi nhuần nhuyễn rồi mới đến các phép cao cấp hơn, đến lúc không cần tính quẻ nữa. Thực ra đó cũng là cách các thầy ra quy luật chiêm tinh, khi có chuyện xảy ra xem chart, rồi liên hệ các sự kiện giống nhau xem charts có gì giống nhau rồi đưa ra kết luận ảnh hưởng của hành tinh này hành tinh kia, khi nhuần nhuyễn rồi thì cũng chẳng cần nhìn trời đất nữa.

Tôi xin lỗi chưa review được quyển 3 vì quyển 2 tôi chưa đọc xong. Quyển 3 có vẻ bám theo văn tự cổ, tóm tắt quyển Kinh Dịch Đại Toàn và bình chú nhiều hơn về 64 quẻ, và có thêm cả phần y học.

Trong thời gian này tôi có đọc quyển « Chích lể toàn khoa » của cùng tác giả. Mọi người nói tác giả viết có 3 quyển « xưa và nay » nhưng khi lục ra trên các group sách cũ tôi có tìm mua được quyển « chích lể » này. Tôi chưa được ai chích lể bao giờ nhưng có nhiều người nói với tôi về phương pháp trị bệnh này nên tôi tò mò đọc. Đây là phương pháp chữa bệnh dân gian, không liên quan gì đến châm cứu bên Tàu, và có huyệt nào tương ứng với châm cứu thì cũng chỉ là vì thân thể con người nó như vậy. Lương Y Nam Thanh Phan Quốc Sử có theo học thầy Năm Oắng, thầy Ba Cầu Bông phương pháp Chích Lể, cạo gió, bấm huyệt, giác hơi, giác máu… Tuy không có nhiều thông tin về Kinh Dịch nhưng có một phần nhỏ thầy Phan Quốc Sử kể chuyện cách dùng Dịch để xác định có đúng bệnh không và cách chữa. Đọc phần này tôi rất thích và theo tôi biết thì phần 3 của « Xưa và nay » có nói về Dịch Y học nói chung.

Để các bạn thêm hứng thú đọc quyển Kinh Dịch xưa và nay, tôi xin trích review của admin « Tự học Kinh Dịch« . Tôi rất thích đọc các bài viết của admin này vì bạn này được tặng nhiều sách hay, và cũng đọc được nhiều nguồn mới lạ. Đọc theo bạn, tôi có tìm ra được bác Hưng « Điện bà Tây Ninh », thầy Sơn Ký sự bên kia chiều thứ 4, biết thêm về Hồng Bàng Dịch. Bạn ý cũng thích Dịch Lý chứ không theo dự đoán nhiều.

Nếu các bạn đã đọc kha khá các sách Kinh Dịch trên thị trường thì nên đọc thêm 3 quyển này. Chúng ta may mắn là người Việt được đọc sách do người Việt viết ra. Thêm một review khác cho bác bạn :

Tuy nhiên, có một điều cần chú ý, tôi để lại đây 2 screenshots viết bởi ThaiThangNhu trên tuvilyso. Thực hư ra sao tôi không rõ vì screenshot này cũng có thông tin sai (thầy Nam Thanh và Cao Thanh là đồng môn chứ ko phải thầy trò), tôi cứ để đây để mọi người tự ra quyết định và kiểm chứng.

Tìm sách ebook ở đâu, mua sách giấy ở đâu, bao nhiêu tiền, xin các bạn tự tìm trên Google nhé.

Sách về Kinh Dịch - Âm Dương của GS TSKH Hoàng Tuấn
[review] Sách Dịch học nhập môn của Nguyễn Duy Cần
    Anh

    Anh est franco-vietnamienne et a vécu dans de nombreux pays (Russie, Australie, France, Norvège, Vietnam). Elle aime par dessus tout les chats, le DIY et la bonne cuisine. Ayant une très bonne mémoire, Anh est capable de vous donner le tarif du petit bus pris entre le Chili et la Bolivie qu'elle a pris il y a 3 ans.

    Tous Mes Articles